"Điểm Tựa" Của Ông Võ Văn Kiệt
Bài này đăng trên SGTT, nhưng bị cắt một thông tin quan trọng trong phần tái bút, mà ở đó Huy Đức viết trong blog của mình một cách mập mờ rằng:
http://www.sgtt.com.vn/detail78.aspx?newsid=36659&fld=HTMG/2008/0630/36659
“PS: Cho dù đến khi ông mất, thủ tục li dị vẫn chưa hoàn thành, nhưng ông xác định trong “lưu bút”, cuộc hôn nhân sau của ông thực sự đã chấm dứt kể từ tháng 3-2007.”
NVT
===http://www.sgtt.com.vn/detail78.aspx?newsid=36659&fld=HTMG/2008/0630/36659
Điểm tựa của ông Võ Văn Kiệt
Không như những lần trước đó, ngày 24.5.2008 vừa qua, khi vào viện, ông Võ Văn Kiệt mang theo bên mình một chiếc cặp nhỏ mà chỉ có ông mới có mật mã khoá. Sau khi ông mất, chiếc cặp được mở ra, “tài liệu tuyệt mật” bên trong là một cuốn tập có những trang viết tay. Qua những dòng chữ để lại của ông, mới thấy, từ lâu, ông ít nhiều đã chuẩn bị cho chuyến “đi xa” ấy; mới thấy, trong 14 tháng cuối đời ông dọn về ở hẳn với con gái Võ Hiếu Dân, hình ảnh người vợ đã mất hơn bốn mươi năm trước đây lại trở về mạnh mẽ.
Hình ông Võ Văn Kiệt lúc nghỉ hưu ở nhà
Ông vẫn thường thân mật đùa: “Nếu nói chuyện “xé rào” thì tao đã từng “xé rào” từ khi cưới vợ rồi”. Bà Trần Kim Anh, người vợ mà ông Kiệt nhắc đến trong câu nói ấy là một cô gái xinh đẹp, con của một địa chủ nhỏ, có nhà máy trong “vùng giải phóng”. Hồi đó, các nữ đồng chí cấp trên của ông nhắc “phải lấy vợ là đảng viên”, họ muốn ông phải có người “đồng hành cùng lý tưởng”. Ông nói với các bà chị: “Tôi cưới vợ chứ có phải thành lập chi bộ đâu”.
Cưới được ít lâu, khi bà Trần Kim Anh còn đang mang thai, ông được cử đi dự đại hội Đại biểu Đảng lần thứ II tại Việt Bắc. Chuyến đi này kéo dài từ giữa năm 1950 cho tới đầu năm 1953 mới về. Khi đi, Võ Dũng chưa sanh, khi về, con trai của ông đã gần hai tuổi. Trong thời gian gần 3 năm biền biệt đó, những người trước đây không muốn bà Kim Anh lấy “cách mạng” cũng muốn khuyên nhủ bà “bước đi”, nhưng bà đã một lòng chờ đợi. Ở Việt Bắc, tổ chức cũng định đưa ông Võ Văn Kiệt sang Trung Quốc học. Nhưng từ tận trong thẳm sâu, ông Kiệt biết người phụ nữ mà ông nhớ thương đang đợi ông với cả lòng vị tha và sự hy sinh vô bờ bến.
“Nhà tôi hiền lành lắm. Tuy không phải là đảng viên nhưng bả cảm thông được việc tôi làm”, ông Kiệt nhớ lại. Ông đi, bà lại về ngoại, ông về, vợ chồng lại có những ngày ngắn ngủi, bên nhau. Không bao giờ bà có một lời than phiền về những chuyến đi biền biệt của ông. Năm 1957, biết ông được điều lên Sài Gòn. Bà cũng bế con lên Sài Gòn, ở nhà người quen, hằng ngày ra chợ buôn bán lặt vặt, vừa để nuôi con vừa để tìm gặp người có thể liên lạc với chồng. Khi theo ông sang họp Xứ uỷ ở Phnom Penh, bà Kim Anh cũng đã gặp các bà vợ của các ông Bửu Kiếm, Huỳnh Tấn Phát… Bà đâu có biết, khi ấy ở Sài Gòn cơ sở bị đánh tơi bời. “Mãi lâu sau, anh em mới móc ráp, tìm gặp vợ con tôi được”, ông Kiệt kể.
Trong những năm tháng ấy, ông ở ngoài căn cứ Củ Chi, bà ở lại Sài Gòn, lãnh thêm “nhiệm vụ” làm “vợ bình phong” cho một uỷ viên thường vụ hoạt động hợp pháp ở nội thành. Vừa buôn bán, nuôi con ăn học, vừa lâu lâu lại ra căn cứ thăm chồng. Chuyến “ra bưng” cuối cùng của bà diễn ra sau một thời gian khá lâu hai vợ chồng không gặp nhau. Khi đó, bà Trần Kim Anh về bên nhà cha mẹ ở Rạch Giá để sanh người con trai út. Sanh xong chừng bốn tháng, bà lên Sài Gòn, rồi từ đó, tay dẫn con gái Phan Thị Ánh Hồng, tay bế con trai, Phan Chí Tâm ra Củ Chi, thăm ông.
Ông nghe tin tàu Thuận Phong bị bắn chìm khi vẫn còn đang ở Nhà Bè, không biết có vợ con mình nhưng ruột gan vẫn như lửa đốt. Ông nói: “Anh em vẫn thường vô ra Sài Gòn trên con tàu đó”. Ông tức tốc về lại Củ Chi và hay tin… Cơ quan cho người tìm kiếm suốt khúc sông ấy, nhưng chưa bao giờ thấy xác vợ và hai con ông. Bên gia đình vợ, từ Rạch Giá, cho người lên tìm công khai, cũng không kết quả. Ông ngồi lặng, giấu nỗi đau của mình, trong khi nhiều đồng đội của ông bật khóc. Ông kể: “Suy từ hoàn cảnh của mình, mới thấy, mất mát của gia đình chị Tư Cách là vô cùng lớn”. Bà Tư Cách là nữ cơ sở đã vào thành dẫn vợ con ông ra Củ Chi và cùng chịu hy sinh trên con tàu Thuận Phong ấy. Ông tìm đến nhà bà Tư, chồng bà nhận lời chia buồn của ông và nói: “Chú mất vợ và hai con, thiệt hại hơn tôi”.
Hình bà Trần Kim Anh (vợ cũ của ông VVK) và Võ Dũng (con), cả hai đã hi sinh trong thời chiến.
Ông kể lại, ngay khi vừa nhận được tin, lập tức tôi nghĩ tới Hiếu Dân. Trước đó, bà Trần Kim Anh quyết định gửi Hiếu Dân ra Bắc theo gia đình một người trong Xứ uỷ (Võ Dũng đã ra Hà Nội từ năm 1959). Sau khi tiễn Hiếu Dân, bà Trần Kim Anh ghé qua Trung ương Cục thăm ông, nhân đấy, bệnh xá khám cho biết, vợ ông đã có bầu đứa con sau cùng. Nghĩ tới khi sanh nở, bà Kim Anh muốn giữ Hiếu Dân lại nhưng khi cho liên lạc, may sao, Hiếu Dân đã lên đường ra Bắc trước đó ba ngày. Năm ấy Hiếu Dân 8 tuổi, chị là người con duy nhất còn lại của ông và người vợ yêu quý Trần Kim Anh.
Hồi bà lên Phnom Penh, cả nhà đi chơi, cũng có chụp ảnh, nhưng để giữ an toàn, gia đình không dám chụp chung tấm hình nào cả. Hai kỷ vật ít ỏi về người vợ yêu quý mà ông còn giữ được trong suốt những năm chiến tranh là một tấm hình chân dung của bà và bộ đồ bà ba may bằng lụa tơ tằm. Bác sĩ riêng thời chiến tranh của ông, ông Huỳnh Hoài Nam kể: “Chúng tôi vẫn thường giúp xếp đồ cho ông mỗi khi đi chuyển căn cứ, nhưng có hai thứ ông bao giờ cũng tự làm là tấm hình và bộ đồ bà ba của bà”.
Mãi tới nhiều năm sau, ông vẫn một mình vò võ. Tổ chức nhiều khi còn họp bàn về vấn đề lấy vợ cho ông. Có những cuộc họp như vậy, ông đã bỏ ra ngoài: “Cho dù có là cộng sản thì chúng ta vẫn là người phương Đông, vợ tôi vừa mất”. Trong chiến tranh, cũng đã có một vài người phụ nữ để ý. Ông nói: “Họ đều là người rất được”. Nhưng có lẽ chuyện vẫn không thành là bởi, như ông nói: “Tao vẫn rất nhớ bà ấy”. Những người lính cận vệ của ông nói với ông: “Chú Tám (thời kỳ ấy ông lấy bí danh là Tám Thuận) nên lấy vợ nhưng phải lấy được người như thím Tám”.
Cuối năm 1981, ông ra Bắc giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch. Tướng Đinh Đức Thiện giới thiệu để ông gặp gỡ bà Phan Lương Cầm. Cha kế bà Cầm là đại tá Phan Tự Lăng, một người bạn của tướng Thiện, lúc này đang làm phó giám đốc Khu gang thép Thái Nguyên. Ông Trần Quốc Hương, ông Mai Chí Thọ cũng góp sức “vun vào”. Năm 1984, ông bà tổ chức một hôn lễ nhỏ ở nhà khách Hồ Tây. Năm ấy bà Phan Lương Cầm 41 tuổi.
Bà Phan Lương Cầm tốt nghiệp phó tiến sĩ ngành điện hoá – ăn mòn ở đại học Lomonoxop, Liên Xô, năm 1973. Trước khi lấy ông khá lâu, năm 1978, bà Cầm đã từng được mời sang nghiên cứu tại Hà Lan. Bà Phan Lương Cầm có lẽ là phu nhân Việt Nam đầu tiên xuất hiện bên cạnh một nhà lãnh đạo cộng sản trong các chuyến công du nước ngoài. Theo ông Phan Minh Tánh, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, “Nhiều vị lãnh đạo rất sốc khi thấy ông Kiệt đưa phu nhân ra nước ngoài”. Khi ấy, không phải ai cũng có thể hiểu, ông Kiệt đã chấp nhận không ít chỉ trích, chủ yếu để tạo ra một hình ảnh về những nhà lãnh đạo Việt Nam đang sẵn sàng hội nhập.
Làm người phụ nữ bên cạnh một con người như ông Võ Văn Kiệt cũng không dễ dàng gì. Ngoài việc giúp kiến tạo và gìn giữ uy tín chính trị cho ông còn phải có không ít hy sinh để có thể hiểu và chia sẻ cùng ông những khát vọng không bao giờ ngưng nghỉ. Dù trong chiến tranh hay khi giữ những cương vị cao trong Chính phủ, ông luôn quý trọng và gắn bó với những người giúp việc như những thành viên trong gia đình. Những ai thực sự yêu thương ông, đều muốn góp phần gìn giữ không gian gia đình ấm cúng ấy.
Ông là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, một “trí thức bẩm sinh” đúng như nhận xét của ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý của ông Kiệt. Nhưng, phải là những người thật sự gần gũi, mới thấy được sự cô đơn nơi ông. Phải là những người rất thân cận, mới thấy trong ông, có một con người vô cùng quyết đoán và có một con người khác, đôi khi, cũng có nhiều phần yếu đuối. Trong cuốn sổ tay ghi chép được lưu giữ trong “cặp tài liệu mật” ông có giải thích vì sao, từ tháng 3.2007, ông rời biệt thự 16 Tú Xương, ngôi nhà mà Nhà nước đã cấp cho ông. Trước đấy, ông viết thư cho Thành uỷ, nói rằng, sau khi bà Phan Lương Cầm không còn sống ở đó, ngôi biệt thự này sẽ được giao lại cho Nhà nước.
Một mình về sống 14 tháng cuối đời với gia đình con gái Võ Hiếu Dân, ông tìm lại được sự yên tĩnh. Ông dành nhiều thời gian hơn cho công việc, cho những khát vọng mà đến những phút cuối, trong ông, vẫn chưa bao giờ ngưng nghỉ. Đã lâu lắm rồi, con cháu mới lại có dịp thật sự gần gũi ông. Chị Hiếu Dân đã bàn giao công việc, định từ tháng 6.2008, sẽ ở hẳn nhà chăm sóc ông… Đúng lúc ấy thì ông “linh cảm” thấy vợ và những đứa con đã mất của ông “đang đợi…”
Trong những dòng di bút, ông muốn mình được hoả táng, để rồi vào ngày giỗ người vợ Trần Kim Anh và hai người con chết trên chuyến tàu Thuận Phong, tro của ông sẽ được mang tới khúc sông mà họ mãi mãi nằm, rải xuống.
Huy Đức
Ảnh: Thu Thuỷ & tư liệu trích từ cuốn sách Ấn tượng Võ Văn Kiệt
Ảnh: Thu Thuỷ & tư liệu trích từ cuốn sách Ấn tượng Võ Văn Kiệt
Nhận xét
Đăng nhận xét