Bàn về chính sách đối xử với Việt kiều
Cách đây khoảng 2 tháng báo Pháp Luật TPHCM có phỏng vấn tôi về chính sách đối với trí thức Việt kiều (một cụm từ tôi thấy hơi … ngượng, nhưng thôi cứ dùng đại). Tôi trả lời các câu hỏi dưới đây. Đến nay vẫn chưa thấy anh phóng viên báo có đăng hay không (có lẽ anh quên), nên tôi đăng lại dưới đây để tự cảm thấy mình không tốn thì giờ vô ích, vì ít ra là có các bạn cùng đọc.
NVT
Theo GS, bây giờ chính sách đối xử với Việt kiều, nhất là giới trí thức có gì mới không so với trước kia?
NVT: Nếu cụm từ “trước kia” là nói đến thời bao cấp, thì tôi nghĩ chính sách của Nhà nước đối với người Việt ở nước ngoài, kể cả giới trí thức, có nhiều phát triển theo chiều hướng tích cực hơn. Bây giờ chúng tôi về quê không cần phải xin visa mỗi lần nữa. Chúng tôi, trên danh nghĩa, có thể mua nhà ở Việt Nam . Giới doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài có thể đầu tư ở Việt Nam và trong thực tế họ cũng đã làm. Đứng trên phương diện khoa học, chúng tôi cũng có thể hợp tác làm việc với đồng nghiệp trong nước, và trong thực tế điều này đã diễn ra khá tích cực. Tôi thấy đó là những diễn tiến tích cực so với trước đây, và hi vọng rằng Nhà nước sẽ mở cửa rộng cửa hơn nữa cho người Việt ở nước ngoài, để chúng ta không phải phân biệt “Việt kiều” với đồng bào trong nước nữa hay có những câu hỏi như thế này nữa.
Những thuận lợi, khó khăn của Việt kiều trong việc muốn đóng góp cho TPHCM nói riêng, và cả nước nói chung?
NVT: Điều này rất khó trả lời, vì nó còn tùy thuộc vào mức độ đóng góp như thế nào, hoàn cảnh cá nhân và chuyên môn nữa. Chẳng hạn như một người đang hay sắp nghỉ hưu có những khó khăn khác với người đang tích cực làm việc ở một lĩnh vực nào đó. Hay giới kĩ thuật có những nhu cầu và thuận lợi khác với các nhóm làm về lí thuyết. Tôi chỉ nhìn vấn đề qua cá nhân và chuyên môn của mình trong lĩnh vực y học, và theo tôi những khó khăn đó là:
Cái khó khăn lớn nhất là tôi vẫn còn phải gắn bó với công việc ngoài này, tôi phải có trách nhiệm với các cộng sự viên và nghiên cứu sinh trong nhóm nghiên cứu của tôi, tôi phải có trách nhiệm với những cơ quan tài trợ cho mình, nên tôi không thể ngang nhiên bỏ về Việt Nam làm việc toàn thời gian được. Nếu (trường hợp khó xảy ra) chẳng hạn như một đại học hay Viện nghiên cứu nào đó ở trong nước mời gọi đem toàn bộ nhóm nghiên cứu về Việt Nam làm thì cũng khó xảy ra vì có người sẽ không chịu về theo tôi. Điều này thật ra đã xảy ra ở Singapore khi các nhóm nghiên cứu di dời từ phương Tây về Singapore nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.
Kế đến là vấn đề gia đình. Những người ở thế hệ tôi, ai cũng muốn thấy con cái mình lớn lên, học hành ra trường, rồi mới yên tâm xa chúng nó mà về quê (Việt Nam) sinh sống hay làm việc. Nhưng khi chúng lớn lên thì mình sắp đến tuổi nghỉ hưu, và lúc đó thì việc đóng góp cho quê hương chẳng có bao nhiêu.
Ngày nay, vấn đề nhà cửa cũng là một gánh nặng đáng quan tâm. Giới trí thức người Việt ở nước ngoài không giàu có như nhiều người tưởng. Họ có thể giàu về tri thức, nhưng nghèo về tiền bạc. Di dời về Việt Nam là một cuộc phiêu lưu lớn, đòi hỏi phải có có khả năng tài chính dồi dào. Trong tình hình kinh tế và giá cả nhà đất [đắt hơn cả nước ngoài] như hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc mua một căn nhà để an cư lạc nghiệp không phải là điều dễ dàng với nhiều trí thức ở nước ngoài.
Những khó khăn trên tất nhiên là chỉ áp dụng cho những trường hợp về Việt Nam làm việc toàn thời gian. Nhưng vẫn còn có những hình thức đóng góp khác mà có thể giới chuyên gia và khoa học người Việt ở nước ngoài không phải về sống ở Việt Nam để cống hiến, mà vẫn có thể có những hình thức hợp tác chính thức giữa trong và ngoài nước như mô hình của Viện khoa học tính toán mà Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang triển khai.
Mong muốn của GS đối với chính sách dành cho Việt kiều: lương bổng, nhà cửa, điều kiện làm việc hay cơ chế cống hiến...?
NVT: Cũng như nhiều anh chị em khác đã nói, tôi nghĩ giới trí thức người Việt ở nước ngoài không đòi hỏi phải được ưu đãi; họ muốn được đối xử bình đẳng với các anh chị em trong nước và muốn có cơ hội để đóng góp. Như tôi có lần phát biểu, đã là người Việt -- dù có thể khác biệt về chính kiến -- ai cũng muốn không ít thì nhiều đóng góp cho quê nhà. Không cần đến những động thái mang tính áp đặt tâm lí hay ban phát ơn nghĩa. Theo tôi thì cái mà người Việt ở nước ngoài cần là điều kiện và môi trường làm việc, kể cả thủ tục hành chính gọn nhẹ và minh bạch.
Tôi chỉ xin kể cách làm của các nước chung quanh ta để rút kinh nghiệm. Từ những năm đầu thập niên 90, Hàn Quốc đã có một chính sách cụ thể để thu hút các nhà khoa học gốc Hàn Quốc ở các nước Âu Mĩ về nước giảng dạy và nghiên cứu. Ngày nay, khi nói đến sự thành công ngoạn mục của Hàn Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, các giám đốc hãng Samsung, LG và Đại học Quốc gia Seoul đều nhất trí cho rằng chìa khóa thành công của họ là nhờ vào đội ngũ các nhà khoa học Hàn kiều đã góp một phần quan trọng đưa nền công nghệ điện tử và sinh học lên hàng các nước kĩ nghệ tiên tiến. Chính sách tuyển mộ các nhà khoa học Hàn kiều của Hàn Quốc vẫn còn tiếp tục và với nhiều hình thức khuyến khích càng ngày càng hấp dẫn hơn. Cũng như nhiều người Việt khác, giới khoa học Hàn Quốc ở nước ngoài cũng tỏ ra ngần ngại và thậm chí miễn cưỡng quay về Hàn Quốc làm việc, vì họ phải hi sinh nhiều lợi ích tài chính mà họ đang hưởng ở nước ngoài. Để thu hút những người này, các Viện nghiên cứu thuộc Nhà nước và các công ty như Samsung và LG đã xây hẳn một khu chung cư với các tiện nghi hiện đại (kể cả có bác sĩ nói tiếng Anh) và trả lương cho các nhà khoa học Hàn kiều cao gấp 3 lần so với lương của người bản xứ. Chỉ trong vòng 2 năm, Viện công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) tuyển dụng 27 giáo sư và nhà khoa học Hàn kiều, và họ được hưởng mức lương lên đến 100.000 USD/năm. Năm 2002, Bộ giáo dục Hàn Quốc, qua chương trình fellowship, tuyển mộ được hơn 100 giáo sư và nhà khoa học Hàn kiều (những người đã có trên 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu hậu tiến sĩ) về giảng dạy và nghiên cứu khoa học về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Trong số này, có đến 65 người được Đại học Quốc gia Seoul đón nhận về công tác.
Ở Trung Quốc, các nhà lãnh đạo xem đội ngũ khoa học Hoa kiều là một lực lượng quan trọng, một chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Trong thời gian trên dưới 10 năm nay, Nhà nước Trung Quốc chi ra một ngân khoản lớn để thu hút các giáo sư và nhà khoa học Hoa kiều từ các nước Âu Mỹ về Trung Quốc làm việc. Họ có những đề cương với những qui định cụ thể về lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và đi kèm theo các khoản lương bổng và ưu tiên quyền lợi cho các nhà khoa học ưu tú gốc Hoa. Chẳng hạn như trong Đề cương 985 để nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho một số trường đại học trọng điểm như Bắc Kinh, Thanh Hoa, Giao Thông, v.v… mà theo đó mỗi trường được tài trợ đến 1 tỉ Nhân dân tệ (tức khoảng 124 triệu USD) cho mục đích này. Để thực hiện việc này, các đại học thiết lập những chương trình nghiên cứu mũi nhọn và “chiêu dụ” các nhà khoa học Hoa kiều về làm việc. Đại học Bắc Kinh mỗi năm tiếp nhận khoảng 30 đến 40 các giáo sư từ nước ngoài, trong số này có một số về làm việc hẳn ở Trung Quốc và một số thì làm việc từ 3 đến 12 tháng. Những người về làm việc toàn thời gian được trả lương đến 40.000 USD / năm (lương chính thức của một giáo sư ở Trung Quốc chỉ khoảng 7.200 USD / năm). Nhà nước Trung Quốc thậm chí còn cấp hẳn một Giấy chứng nhận chuyên gia nước ngoài (Foreign Expert Certificate) cho các nhà khoa học này để được hưởng ưu tiên trong các dịch vụ của Nhà nước, kể cả đi lại, nhà ở, và trường học cho con cái.
Tính từ 1998 đến nay, Trung Quốc đã thu hút được 1108 nhà khoa học và 14 chuyên gia về nước công tác; trong số này, có những gương mặt nổi tiếng trên trường quốc tế. Chẳng hạn như năm 2004, Trung Quốc mời được Andrew Chi-chih Yao (giáo sư khoa học máy tính thuộc Đại học Princeton) về Trung Quốc thành lập một Trung tâm nghiên cứu máy tính tại Đại học Thanh Hoa. Đại học Bắc Kinh mời được Tian Gang (một nhà toán học hàng đầu của Mĩ tại Viện công nghệ Massachusetts – MIT) về nước để thiết lập một Trung tâm nghiên cứu Toán học. Kể từ khi thu hút Hoa kiều về giảng dạy và nghiên cứu, nhiều đại học hàng đầu ở Trung Quốc càng ngày càng nâng thời lượng giảng dạy bằng tiếng Anh, và dựa vào hệ thống tín chỉ của Mĩ, đặc biệt là số lượng ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế, để đề bạt các chức danh giáo sư (chứ không còn dựa vào thâm niên như trước đây). Một số trường thậm chí còn có qui định rằng nếu một giảng viên mà sau 6 năm vẫn chưa đạt tiêu chuẩn Phó Giáo sư thì sẽ được “mời” nghỉ việc.
Theo GS, Nhà nước Việt Nam cần có những cơ chế, thay đổi gì để thu hút trí thức Việt kiều về tham gia xay dựng, đóng góp cho quê hương hơn nữa?
NVT: Tôi nghĩ Nhà nước nên nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, v.v… về chính sách thu dụng chuyên gia gốc Việt từ nước ngoài. Tôi chỉ muốn kể một câu chuyện cá nhân về một anh bạn đồng nghiệp người Trung Quốc ở Mĩ, và qua đó có thể thấy cơ chế và cách làm việc ra sao. Anh bạn tôi là một giáo sư trẻ “đang lên” ở Mĩ. Một viện nghiên cứu tầm cỡ ở Trung Quốc chính thức thảo luận với trường đại học Mĩ để mời anh về cộng tác nghiên cứu, với hình thức anh ta tiêu ra 3-6 tháng ở Trung Quốc. Anh ta có nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu, kể cả chủ trì đề tài nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu sinh ở Trung Quốc và đem các nghiên cứu sinh này sang Mĩ để huấn luyện tiếp và nhận bằng cấp Mĩ rồi gửi về Trung Quốc. Tất cả các báo cáo khoa học đều phải ghi tên Viện nghiên cứu ở Trung Quốc. Tôi thấy đó là một “mô hình” khá hay và có thể ứng dụng ở nước ta.
Nhận xét
Đăng nhận xét